Danh mục
Mới đây, đại diện cho Hiệp hội cơ khí VN lại có những đề xuất với các ban, ngành, Chính phủ… về những khó khăn mà ngành cơ khí đang gặp phải. Trong đó đáng chú ý là việc từ khi gia nhập WTO đến nay, các cơ chế ưu đãi không còn nữa…
Trên cơ sở đó, vị đại diện này cho rằng để ngành cơ khí phát triển đúng vai trò đầu tàu cũng như hướng tới việc NĐH ngành cơ khí chế tạo trong nước thì phải sửa đổi Luật Đấu thầu, giảm thuế GTGT, dựng các hàng rào kỹ thuật bảo vệ sản phẩm cơ khí trong nước…
Thực tế, thực trạng của ngành cơ khí trong nước đúng như vị đại diện của HH này nói. Tuy nhiên, những đề xuất để vực dậy lĩnh vực này, gia tăng phát triển cho nó thì lại vẫn quá cũ và chung chung. Liệu nếu đáp ứng đủ những yêu cầu, đề xuất đó (mà thực tế thì chúng ta vẫn đang thực hiện các cam kết) thì ngành cơ khí có thực sự vượt lên ? Chưa chắc. Tại sao lại chưa chắc ? Vì trước khi hội nhập, ngành cơ khí đã được hưởng nhiều ưu đãi, đã có lúc vượt lên mạnh – nhưng điều quan trọng là sự vượt lên mạnh đó lại chỉ mang tính bề rộng mà thiếu đi chiều sâu. Minh chứng là những thiết bị quan trọng của ngành cơ khí hay của một dự án nào đó chúng ta đều phải nhập, nhập và nhập. Và nếu có sửa Luật Đấu thầu, có giảm thuế GTGT, có dựng hàng rào kỹ thuật… giúp cho các DN cơ khí VN trúng thầu, làm tổng thầu dự án lớn thì phần thiết bị quan trọng nhất chúng ta vẫn cứ phải nhập, mà như vậy thì không thể nói là ngành cơ khí có thể vượt lên được. Vậy thì – như một chuyên gia thì cái chúng ta cần vẫn liên quan đến cơ chế, đến đầu tư một cách phù hợp, nhưng là để sản xuất ra được những thiết bị và phần thiết bị quan trọng, đủ sức cạnh tranh được với các sản phẩm của các nước khác trong thời kỳ hội nhập kinh tế, chứ không phải là tạo ra cơ chế để giúp các DN VN trúng thầu các dự án. Trên thực tế, có những sản phẩm được xem là nhỏ, đơn giản về công nghệ như các nắp cống, phức tạp hơn như các tấm đan, nghiền cho ngành xi măng… các DN trong nước sản xuất đủ sức cạnh tranh với nhiều sản phẩm nhập ngoại. Và những DN sản xuất các sản phẩm này hầu như cũng chẳng cần ưu đãi, cứ giá rẻ, chất lượng tốt mà thắng thầu, mà chiếm lĩnh thị trường. Đó là điều quan trọng đối với sự phát triển của một sản phẩm cơ khí hay của cả ngành, lĩnh vực này.
Nếu đã xác định cơ khí là ngành rất quan trọng, không thể thiếu thì dù có tốn kém thế nào chúng ta cũng phải đầu tư, thậm chí là đầu tư rất lớn và bản thân các hiệp hội cũng như các nhà quản lý phải đưa ra được một chiến lược, lộ trình vừa dài hơi, vừa chi tiết nhằm sản xuất được những bộ phân, thiết bị quan trọng, có tính chiều sâu, cơ bản. Đó mới là mấu chốt để vượt lên. Và khi vượt lên được thì tự khắc các DN trong nước sẽ trúng thầu các dự án, cạnh tranh được với các đối thủ, vươn ra thị trường nước ngoài…
Khó thì “kêu”. Đó là điều mà hầu hết nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế vẫn luôn làm. Nhưng “kêu” như thế nào và đưa ra được những giải pháp vừa lâu dài, vừa cụ thể để các ngành thực sự vượt lên, có đủ sức cạnh tranh mới là điều quan trọng.